Đào Bitcoin là một thuật ngữ dùng để mô tả việc xử lý và xác nhận thanh toán trên hệ thống mạng lưới Bitcoin. Điều đó giúp cho thông tin về các giao dịch được xác thực và lưu trữ trên hệ thống Blockchain.
Bất kỳ ai cũng có thể tham gia đào Bitcoin bằng cách vận hành một ứng dụng trên máy tính. Ngoài việc hoạt động trên máy tính truyền thống, một số công ty đã thiết kế ra phần cứng dành riêng cho việc khai thác Bitcoin, giúp việc xử lý các giao dịch và tạo khối mới nhanh hơn, hiệu quả hơn các máy tính thông thường. Để có thể xác nhận giao dịch và gắn kết vào chuỗi Blockchain, các thiết bị này phải giải quyết được những bài toán học mật mã đặc biệt.
Bitcoin là một hệ thống phân cấp và không có bên thứ ba nào đứng ra làm trung gian điều khiển nó. Việc đào Bitcoin sẽ giúp cho chúng ta xác nhận giao dịch từ người A sang B, hoặc ngăn chặn người A thực hiện hành vi gian lận (Double Spending) khi giao dịch cùng một lúc với B và C.
Trong mạng lưới Bitcoin, mỗi một thợ mỏ phải cạnh tranh với những thợ mỏ khác để trở thành người đầu tiên giải quyết được bài toán mà hệ thống đưa ra. Thợ mỏ sẽ được thưởng cho một lượng Bitcoin tương ứng cho với mức phí giao dịch mà họ xử lý. Đồng thời nhận được phần thưởng bổ sung cho mỗi khối Bitcoin khai thác, hiện tại là 12,5 BTC/khối.
Do phần thưởng cho mỗi khối Bitcoin khai thác quá cao (12,5 BTC = 11,250 USD), nên sự cạnh tranh giữa các thợ mỏ trở nên gắt gao hơn. Có tới hàng trăm nghìn siêu máy tính đang tìm cách khai thác khối Bitcoin tiếp theo. Ước tính công suất khai thác Bitcoin của toàn hệ thống Blockchain này bằng 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới gộp lại và nhân thêm 1000 lần. Sự cạnh tranh không ngừng của các thợ mỏ giúp gia tăng sức mạnh của mạng lưới Bitcoin. Sức mạnh của mạng lưới Bitcoin rất quan trọng đối với sự sống còn của hệ thống. Nếu kẻ tấn công có sức mạnh tính toán vượt quá một nửa sức mạnh của hệ thống thì nguy cơ đảo ngược giao dịch sẽ xảy ra (Tấn công 51%).
Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt đó, hệ thống phần cứng phải "tiến hoá" đi theo sức mạnh tính toán của hệ thống Bitcoin. Bắt đầu thời sơ khai bằng việc sử dụng sức mạnh khiêm tốn của máy tính cá nhân - gọi là CPU. Nhưng rồi các thợ mỏ phát hiện ra rằng việc sử dụng card đồ hoạ GPU để khai thác sẽ được lợi hơn và hiệu quả hơn. Khi việc xử lý các giao dịch Bitcoin trở nên nhanh hơn, các thợ mỏ lại nhận ra rằng thiết lập nhiều card đồ hoạ trên cùng một máy tính sẽ gia tăng sức mạnh hơn nữa.
Nhưng cả CPU và GPU vẫn chưa phải là sự lựa chọn hoàn hảo nhất, vì nó chỉ hiệu quả khi hoạt động đa nhiệm và tiêu tốn rất nhiều điện năng, trong khi việc đào Bitcoin chỉ cần làm duy nhất một việc là giải mã các hàm băm. Cùng với việc Bitcoin được ủng hộ rộng rãi và giá trị ngày càng tăng, một thiết bị chỉ dành cho riêng cho việc khai thác Bitcoin ra đời: Application Specific Integrated Circuit, hay còn gọi tắt là ASIC. ASIC là một con chip với sức mạnh giải mã vô cùng hiệu quả so với CPU và GPU. Do đó ASIC là lựa chọn giúp bảo vệ mạng lưới Bitcoin tốt nhất cho đến nay.
Năm 2013 là một năm của công nghệ ASIC khi rất nhiều công ty bước vào cuộc đua tạo ra con chip có sức mạnh lớn nhất. Nhưng tất cả chỉ tập trung vào tối ưu hoá hiệu quả hoạt động mà bỏ qua phần chi phí điện năng cho quá trình đào Bitcoin.
Vì chi phí điện năng để đào Bitcoin rất lớn nên nhiều nhóm thợ mỏ đã liên kết lại với nhau và xây dựng một trung tâm dữ liệu gọi là trang trại khai thác Bitcoin tại những địa điểm có chi phí điện năng rẻ, chẳng hạn như ở Iceland (Genesis Mining) hay khu vực Tân Cương - Tây Tạng.
Mining Pool |
Một tiến bộ đáng kể trong công nghệ khai thác là việc tạo ra các hồ khai thác (mining pool), đó là một cách liên kết sức mạnh cá nhân của thợ mỏ lại để gia tăng xác suất giải bài toán nhanh hơn. Sau đó mới chia nhỏ phần thưởng ra cho các thợ mỏ góp phần. Hiện nay đa số các hoạt động đào Bitcoin đều diễn ra tại Trung Quốc.
Việc đào Bitcoin vẫn tiếp tục phát triển mạnh hơn và an toàn hơn cho đến hôm nay, cho dù phần thưởng cho mỗi khối Bitcoin đã giảm từ giữa năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét